Ad Blocker Detected!!.
Please consider supporting us by disabling your ad blocker.

Disable Adblocker and Refresh.

Khí Cụ Tháo Lắp Di Chuyển Răng

Khí cụ Hawley là một trong những khí cụ tháo lắp di chuyển răng. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thành phần cấu tạo và các dạng khí cụ tháo lắp di chuyển răng

I. THÀNH PHẦN CỦA KHÍ CỤ THÁO LẮP DI CHUYỂN RĂNG

Một khí cụ tháo lắp muốn tác động lực di chuyển răng cần có thành phần tạo lực, các móc đủ vững để giúp lưu giữ khí cụ trong miệng và tấm nền giúp liên kết hai thành phần trên với nhau.

1. Tấm nền (nền hàm)

Tấm nền tựa vào mô mềm khẩu cái hàm trên hoặc mô mềm mặt lưỡi hàm dưới và mặt trong của các răng. Tấm nền có thể làm bằng kim loại dập mỏng theo đúng mặt trong của khẩu cái như khí cụ Macary, nhưng thông thường, tấm nền làm bằng nhựa.

Nền nhựa có chức năng chịu lực cho các lò xo khi lò xo tác động lực lên răng và giúp phân phối lực của các lò xo này. Nền nhựa cũng giúp giữ vững khí cụ trong miệng: nền nhựa càng lớn giúp khí cụ ổn định trong miệng và vai trò neo chặn tốt hơn. Tuy nhiên, tránh làm nền nhựa quá cồng kềnh vì bệnh nhân khó thích nghi.

Trong trường hợp cắn chéo răng trước, nền nhựa nâng cao khớp cắn răng sau giúp hở khớp răng trước để đẩy răng cắn chéo. Trong trường hợp cắn sâu, nền nhựa dày ở mặt trong răng trước hàm trên giúp giảm cắn sâu. Đối với những trường hợp mất răng sữa sớm trong thời kỳ răng hỗn hợp, việc phác họa nền hàm phủ lên vùng mất răng còn có tác dụng giữ khoảng cho các răng vĩnh viễn sau này.

a) Phác họa nền hàm

Phác họa nền hàm thích hợp ảnh hưởng đến hiệu quả của khí cụ điều trị cũng như tạo sự thoải mái cho bệnh nhân giúp bệnh nhân có thể hợp tác tốt hơn.

Nền hàm đủ dày để chịu lực và đủ để chôn chân cung môi, lò xo và móc. Chân móc, lò xo, cung môi có thể bẻ ziczắc hoặc bẻ gập góc giúp lưu tốt hơn trong nền nhựa.

Độ dày lý tưởng của nền hàm bằng chiều dày của miếng sáp, thông thường chiều dày khoảng 2-3mm. Nền hàm phải đủ rộng để có đủ neo chặn, tránh xoay hàm. Nền hàm thường phủ hầu hết vòm khẩu cái cứng và giới hạn phía xa răng cối. Nền hàm nên khít sát cổ răng các răng không di chuyển và sẽ được mài ở những răng cần di chuyển.

Đối với hàm trên: giới hạn nền hàm ở phía xa thường đến răng cối sau cùng. Tuy nhiên không cần lan rộng nền hàm ở đường giữa đến phía xa, nên cắt hình móng ngựa ở đường giữa để lộ vùng khẩu cái giúp chức năng ăn nhai, nói dễ hơn.

Đối với hàm dưới: hàm dưới có rãnh lưỡi hẹp nên nền nhựa hàm dưới cũng hẹp. Vì vậy, để đủ khả năng chịu lực, nền nhựa hàm dưới thường dày hơn. Rãnh lưỡi ở vùng răng cối dưới thường lẹm nên chân móc, lò xo… phải tránh vùng lẹm này. Nên đắp lẹm trước khi thực hiện khí cụ hoặc sẽ mài bỏ phần lẹm khi nền hàm đã ép nhựa xong. Cả nền hàm trên và dưới cần phải được làm nhẵn và đánh bóng kỹ lưỡng ở bờ tự do của nền hàm giúp thoải mái cho bệnh nhân.

b) Nhựa làm nền hàm

Nền nhựa khí cụ chỉnh hình tháo lắp thường bằng nhựa tự cứng. Nền hàm làm bằng nhựa tự cứng ít mất thời gian trong labo và ít bị di lệch móc, lò xo… so với nhựa nấu. Tuy nhiên, trong nhựa tự cứng vẫn còn những phân tử monomer tự do, những bọt không khí sau khi trùng hợp do vậy khí cụ ít cứng chắc hơn và dễ bị nhiễm bẩn khi mang trong miệng. Vì vậy, khí cụ chỉnh hình tháo lắp thường được làm bằng nhựa chỉnh hình – đó là loại nhựa tự cứng được trùng hợp thêm dưới áp suất để đẩy những bọt không khí và giúp các phân tử nhựa trùng hợp hoàn toàn.

Nhựa chỉnh hình gồm có hai phần: bột nhựa và nước nhựa. Bột nhựa hoặc nước nhựa có nhiều màu sắc khác nhau để có thể tạo ra các nền hàm có nhiều màu tùy theo ý thích. Ngoài ra các nhà sản xuất còn có những hạt óng ánh với nhiều màu sắc có thể pha thêm vào bột nhựa giúp tạo nên các nền hàm có màu sắc đa dạng.

Đối với trẻ em, có nhiều hình dạng trang trí khác nhau được gắn trong nền hàm giúp kích thích sự hứng thú của trẻ. Điều này giúp trẻ thấy thích thú với khí cụ và sẽ mang thường xuyên hơn.

Hình 1: Nhựa dùng làm khí cụ chỉnh hình tháo lắp có thể có nhiều màu sắc khác nhau.

c) Nền nhựa nâng khớp vùng răng trước

Đối với nền nhựa nâng khớp ở mặt trong răng trước, khi hai hàm răng cắn lại các răng trước sẽ chạm nhau và các răng sau sẽ hở khớp. Như vậy khi mang trong miệng, khí cụ sẽ tạo lực làm lún các răng trước và lực làm trồi các răng sau. Nếu răng cửa không chạm theo hướng thẳng góc với mặt phẳng nền nhựa sẽ có tình trạng nghiêng răng cửa dưới ra ngoài hoặc nghiêng vào trong.

Hình 2: Nền nhựa nâng khớp vùng răng trước sẽ cho răng sau trồi.

d) Nền nhựa nâng khớp vùng răng sau

Nền nhựa nâng khớp vùng răng sau có thể giúp hạn chế sự dịch chuyển sang bên hoặc ra trước của hàm dưới khi có hiện tượng trượt hàm chức năng. Hiện tượng trượt hàm do chức năng thường do cản trở khớp cắn hoặc do cắn chéo răng sau một bên, hàm dưới sẽ trượt đến vị trí đạt được lồng múi tối đa của khớp cắn. Khi điều trị có thể cần nâng khớp răng sau để hạn chế sự dịch chuyển của hàm dưới cũng như giúp hai hàm nhả khớp để các răng di chuyển dễ dàng hơn . Trong trường hợp cắn chéo các răng trước, nền nhựa còn được sử dụng để nhả khớp các răng cắn chéo để các răng này dễ dàng được đẩy ra ngoài.

Hình 3: Mặt phẳng nhựa nâng khớp răng sau. Trường hợp cắn chéo một bên có thể được điều trị bằng nới rộng cung răng. Mặt phẳng nhựa này giúp giải phóng khớp cắn và tránh trượt hàm chức năng.

2. Thành phần tạo lực

Để tạo lực di chuyển răng, khí cụ tháo lắp cần phải có thành phần tạo lực. Thành phần tạo lực có thể là ốc nới rộng, các dạng lò xo, cung môi, thun… Tùy vào vị trí, hướng đặt khác nhau của thành phần tạo lực mà chúng ta có thể tạo ra những di chuyển của răng theo các chiều hướng khác nhau. Đối với khí cụ tháo lắp, có thể di chuyển răng theo chiều ngang, chiều đứng hoặc chiều trước sau. Tuy nhiên khí cụ tháo lắp khó làm bật chân răng. Có thể kết hợp nhiều thành phần tạo lực trên một khí cụ. Cần lưu ý các lực tương tác hoặc các lực đối kháng sẽ tạo ra trên khí cụ. Vì vậy, tránh các khí cụ có quá nhiều các thành phần tạo lực phức tạp trong khi thành phần lưu giữ không đủ. Khí cụ càng đơn giản, bệnh nhân càng dễ thích nghi.

a) Ốc nới rộng

Ốc nới rộng là thành phần tạo lực thường được sử dụng trong chỉnh hình răng mặt. Ốc nới rộng có thể được gắn cố định trong miệng trong khí cụ nới rộng hàm trên hay nới rộng khẩu cái, hoặc ốc nới rộng được gắn vào khí cụ chỉnh hình tháo lắp.

b) Cung môi

Cung môi còn được dùng để ép các răng cửa trước trong khí cụ tháo lắp như khí cụ Hawley, được mô tả bởi Charles Hawley vào thập niên 1920.

Trong khí cụ chỉnh hình tháo lắp, cung môi có thể là thành phần tạo lực trong khí cụ di chuyển răng hoặc là thành phần duy trì trong khí cụ tháo lắp duy trì. Có thể tạo lực di chuyển răng theo chiều trước sau hoặc chiều ngang hoặc chiều đứng tùy theo vị trí phác họa và hình dạng cung môi.

c) Lò xo

Lò xo là thành phần tạo lực thông dụng trong khí cụ chỉnh hình tháo lắp. Lò xo có thể được lưu trong nền nhựa hoặc được hàn vào một thành phần khác như cung môi hoặc móc của khí cụ tháo lắp. Lò xo có thể tác động lên từng răng riêng lẻ hoặc tác động lên một nhóm răng. Tùy theo răng hoặc nhóm răng cần tác động, đường kính dây bẻ lò xo có thể khác nhau. Có nhiều hình dạng lò xo khác nhau tùy theo hướng răng cần di chuyển. Để di chuyển răng theo chiều gần hoặc có thể sử dụng lò xo ngón tay (lò xo di gần, hoặc di xa).

Lò xo chữ Z với nhiều biến thể khác nhau có thể di chuyển răng theo chiều ngoài trong, dùng đẩy các răng trước hoặc răng sau cắn chéo, hoặc kết hợp với cung môi phía ngoài giúp xoay các răng.

Hình 4: Lò xo chữ Z có 2 bụng và có thể (A) tác động trên 2 răng cùng lúc, (B) lò xo chữ Z có 2 bụng và tác động trên từng răng, (C) lò xo có thanh hướng dẫn, (D) lò xo có một bụng và thanh hướng dẫn và (E) lò xo đẩy ngoài răng cửa không có bụng lò xo.

Lò xo chữ Z thường được đặt phía khẩu cái để đẩy các răng cắn chéo ra ngoài. Tuy nhiên có thể sử dụng lò xo biến đổi để đẩy các răng cắn chéo ngoài má vào trong.

Thường sử dụng lò xo chữ Z có một hoặc hai bụng lò xo để đẩy răng cối nhỏ hoặc răng nanh cần di chuyển ra phía ngoài má. Sử dụng lò xo chữ T làm bằng dây đường kính 0,5mm dễ điều chỉnh hơn. Cơ chế tác dụng tương tự lò xo chữ Z nhưng cả 2 đầu của lò xo chữ T chôn trong nền nhựa, như vậy tính đàn hồi của lò xo giảm. Tuy nhiên, trong trường hợp này không cần sử dụng lò xo có độ đàn hồi lớn vì sẽ khó điều chỉnh trên lâm sàng. Răng nanh mọc lệch ngoài có thể được đẩy vào cung răng bằng lò xo di răng nanh lệch ngoài. Loại lò xo này vừa đẩy răng theo chiều gần xa, vừa đẩy răng theo chiều ngoài trong.

Hình 5: Lò xo di xa răng nanh lệch ngoài (A) nhìn từ mặt ngoài và (B) nhìn từ mặt nhai
Hình 6: Lò xo chữ T để đẩy răng cối nhỏ (răng nanh) ra ngoài

Ngoài ra còn có nhiều dạng lò xo có hình chữ I, L, S, U, Z… được chôn vào nền nhựa hoặc hàn vào cung môi trên cung môi. Dây bẻ lò xo là dây thép không rỉ, thiết diện từ 0,5 – 0,7mm.

Ngoài tác dụng tạo lực di chuyển một hoặc vài răng theo chiều gần xa hoặc ngoài trong, lò xo còn có thể nới rộng cả cung răng hàm trên hoặc hàm dưới. Lò xo nới rộng cung răng có hình chữ omega và được sử dụng dây có thiết diện lớn từ 1-1,2mm.

d) Thun

Có thể sử dụng thun để kéo răng trong khí cụ tháo lắp. Thun có thể sử dụng kéo từng răng riêng lẻ, kéo nhiều răng hoặc có thể kéo liên hàm. Đối với trường hợp kéo răng riêng lẻ bị lệch lạc hoặc ngầm, có thể gắn nút cài trên răng cần kéo – nút cài sẽ được liên kết với móc (hoặc gắn nút cài có dây mắc xích dạng làm sẵn). Răng ngầm sẽ được kéo ra nhờ gắn thun từ móc đến cung môi của khí cụ tháo lắp. Bệnh nhân tự thay thun hàng ngày.

Hình 7: Thun từ răng nanh hàm dưới đến móc gắn ở nền hàm trên

Thun có thể được sử dụng để ép các răng trước giảm độ cắn chìa trong một số trường hợp. Tuy nhiên phương pháp này không an toàn nên ít được sử dụng.

Có thể sử dụng thun để kéo liên hàm hạng II hoặc III bằng khí cụ tháo lắp. Tuy nhiên trong trường hợp này, khí cụ tháo lắp phải thật vững chắc trên cung hàm để khí cụ không bị bật ra khi mang thun kéo.

3. Móc

Là thành phần chủ yếu để giữ vững khí cụ tháo lắp trong miệng. Móc có nhiều loại với hình dạng khác nhau và từng lọai có ưu khuyết điểm khác nhau.

II. PHÁC HỌA CÁC DẠNG KHÍ CỤ THÁO LẮP DI CHUYỂN RĂNG

1. Khí cụ tháo lắp điều trị răng hô và thưa kẽ

Khí cụ gồm 2 móc Adams, cung môi và nền nhựa nhưng nền nhựa được mài hở ở mặt trong các răng cửa khoảng 3-5mm và cung môi có cung bù trừ ở vùng răng nanh. Cung môi được điều chỉnh để ép các răng thưa.

Hình 8: Khí cụ Hawley điều trị răng hô và thưa kẽ

2. Khí cụ tháo lắp có nền nhựa nâng cao khớp cắn vùng răng trước để điều trị cắn sâu

Khí cụ gồm: 2 móc Adams, cung môi và nền nhựa ở mặt trong răng cửa để nâng khớp cắn răng trước. Nền nhựa này có độ dày và độ rộng tùy thuộc mức độ cắn sâu của bệnh nhân. Nền nhựa nâng cao khớp cắn vùng răng trước đủ dày sao cho khi hai hàm cắn lại các răng sau hở khớp khoảng 3-4mm. Và nền nhựa cũng đủ rộng để các răng cửa hàm dưới luôn chạm mặt phẳng nâng khớp ở các tư thế của hàm dưới. Nền nhựa nâng cao khớp cắn vùng răng trước cần được làm phẳng và chạm đều các răng cửa dưới để không gây chấn thương khớp cắn.

Hình 9: Khí cụ Hawley có nền nhựa điều trị răng hô và cắn sâu

3. Khí cụ tháo lắp có gắn các lò xo trong trường hợp cần di chuyển răng

Khí cụ cũng gồm: 2 móc Adams, cung môi, nền nhựa. Ngoài ra, khí cụ còn gắn thêm các lò xo di gần hoặc di xa các răng hoặc lò xo chữ Z để đẩy răng cắn chéo. Trong trường hợp đẩy răng cắn chéo, cần có nền nhựa nâng cao khớp cắn vùng răng sau hai bên.

This Post Has 2 Comments

  1. Shankar

    Very interested poast

Trả lời