Ad Blocker Detected!!.
Please consider supporting us by disabling your ad blocker.

Disable Adblocker and Refresh.

Khí Cụ Tháo Lắp Chức Năng

A. Các Nhóm Khí Cụ Tháo Lắp Chức Năng

Hệ thống hàm mặt bao gồm răng, màng nha chu, xương ổ răng, xương nền hàm, hệ thống khớp thái dương hàm và mô cơ – thần kinh. Hệ thống hàm mặt là hệ thống sống có thể thay đổi và đáp ứng thích nghi đặc biệt trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển của phức hợp sọ mặt. Xương là mô cứng trong cơ thể nhưng vẫn có thể thay đổi để đáp ứng với những kích thích của môi trường. Khi tác động lực đến ngưỡng hoặc quá ngưỡng sẽ giảm lượng máu cung cấp đến tế bào, quá trình tạo xương sẽ ngừng. Tuy nhiên, màng xương lại đáp ứng với lực căng. Khi có lực căng tác động, vùng màng xương sẽ có hiện tượng bồi đắp xương. Do đó, màng xương vẫn có chức năng như vùng tạo xương trong suốt cuộc đời. Khả năng tái tạo xương rất cao ở trẻ nhỏ.

Roux và Wolff cho rằng hình dạng và chức năng có liên quan với nhau. Thay đổi do lực chức năng có thể tạo ra những thay đổi cấu trúc bên trong và hình dạng bên ngoài của xương. Những nghiên cứu gần đây đã ủng hộ quan niệm của Roux cho rằng hình dạng xương sẽ thay đổi qua tác động lên chức năng.

Bác sĩ có thể sử dụng lực chức năng của bệnh nhân để chỉnh sửa những bất hài hòa răng, xương vùng hàm mặt thông qua khí cụ chức năng. Có hai loại khí cụ chức năng là khí cụ chức năng cố định và tháo lắp.

Khí cụ chức năng tháo lắp là một loại khí cụ tháo lắp nhưng cơ chế tác động hoàn toàn khác với khí cụ tháo lắp di chuyển răng thông thường. Khí cụ tháo lắp di chuyển răng cũng như khí cụ ngoài mặt sử dụng lực nội sinh để di chuyển răng hoặc xương nghĩa là lực dùng để tác động lên răng hoặc các mô xung quanh phát sinh trong chính khí cụ. Khí cụ tháo lắp di chuyển răng với lực tác động từ các lò xo, ốc nới rộng, thun… là một trong những thành phần chính của khí cụ – thành phần tạo lực. Trong khi đó, khí cụ chức năng với lực được tạo ra từ hệ thống cơ nhai hoặc cơ vùng quanh miệng… để di chuyển răng hoặc xương. Khi sử dụng một phương pháp điều trị, bác sĩ cần hiểu rõ loại khí cụ sử dụng, tại sao nên sử dụng khí cụ này, thời điểm tốt nhất để sử dụng loại khí cụ đó, sử dụng trong bao lâu và những hạn chế của loại khí cụ sử dụng. Có như vậy việc điều trị mới có hiệu quả.

Có thể chia khí cụ chức năng thành ba nhóm:

1. Nhóm khí cụ thứ nhất

Gồm khí cụ activator và những biến thể. Nhóm khí cụ này khi mang vào sẽ tác động đẩy hàm dưới ra trước và xuống dưới (trong điều trị sai khớp cắn hạng II) hoặc đẩy hàm dưới lùi sau (trong điều trị sai khớp cắn hạng III). Nhóm khí cụ activator tác động thông qua nhóm cơ nhai: cơ nâng – hạ hàm, đưa hàm ra trước – lui sau và các mô xung quanh. Lực tạo ra tác động không chỉ lên răng mà cả các cấu trúc xung quanh.

2. Nhóm khí cụ thứ hai

Gồm tấm chặn môi (oral screen), lip bumper, mặt phẳng nghiêng… Khi mang khí cụ, lực được chuyển trực tiếp vào răng. Khí cụ tháo lắp có nền nhựa nâng cao khớp cắn phía trước cũng có thể phân vào nhóm khí cụ này. Nhóm này cũng có thể bao gồm các khí cụ huấn luyện thói quen như khí cụ chặn lưỡi…

3. Nhóm khí cụ thứ ba

Là khí cụ Frankel. Nhóm này tác động lên răng và xương với cơ chế là làm thay đổi thăng bằng cơ xung quanh, tạo lực di chuyển răng và xương thông qua lực tác động lên màng xương. Thực tế khó phân biệt rõ ràng từng nhóm khí cụ bởi vì khí cụ trong nhóm thứ hai có thể có tác động của nhóm thứ nhất hoặc nhóm thứ ba có thể có sự kết hợp của nhóm thứ nhất và nhóm thứ hai.

1. Khí cụ activator

Khí cụ activator (hay còn gọi là khí cụ monobloc) là một khối nhựa liên kết cả hàm trên và hàm dưới. Về cơ bản khí cụ sẽ khít sát với hàm trên, và hàm dưới sẽ khít sát với khí cụ khi hàm dưới phải đưa về một vị trí đã định trước thông qua việc lấy dấu sáp cắn. Do đó, khi mang khí cụ vào cơ nhai sẽ bị căng, có hai tác động:

a. Cơ nhai sẽ tác động lên hàm dưới để đưa hàm dưới về tư thế nghỉ. Như vậy, lực sẽ tác động lên răng dưới và một lực đối kháng sẽ tác động lên rằng trên thông qua khí cụ.

b. Vị trí tư thế của hàm dưới sẽ làm thay đổi hoặc gây ra sự tăng trưởng của sụn lỗi cầu và vùng hõm khớp thái dương hàm dưới, điều này sẽ làm thay đổi tương quan xương nền hàm.

Mặc dù nhiều tác giả đã điều trị thành công bằng khí cụ activator. Tuy nhiên, khả năng đẩy hàm dưới ra trước và giữ ổn định vị trí hàm dưới ra trước vẫn còn là vấn đề tranh luận. Trong một số trường hợp, vấn đề nhảy khớp cắn đã đưa đến khớp cắn hai thì (dual bite) sau khi ngưng khí cụ. Trong những trường hợp khớp cắn hai thì, bệnh nhân có thói quen đưa hàm dưới ra trước để đạt được lồng múi tối đa. Ở bệnh nhân có khớp cắn hai thì, khớp cắn gài tối đa khi hàm dưới đưa ra trước. Khi hoạt động chức năng như ăn nhai, nuốt… hàm dưới lùi ra sau, các răng không gài khớp và như vậy có thể gây tổn thương khớp thái dương hàm. Tuy nhiên, khí cụ activator có thể điều trị thành công trong một số trường hợp như lùi hàm dưới chức năng hoặc ở những bệnh nhân kém phát triển hàm dưới nhưng còn trong giai đoạn tăng trưởng.

Khí cụ activator nguyên thủy gồm nền nhựa hàm trên và hàm dưới nối nhau ở vùng khớp cắn, có cung môi ở vùng răng trước hàm trên. Khí cụ nằm lỏng lẻo trong miệng nhưng có thể chuyển lực của cơ tác động lên xương hàm, răng và mô nâng đỡ. Sau này, những biến thể của khí cụ như giảm kích thước nền hàm để khí cụ gọn hơn, ít cồng kềnh hơn hoặc là gắn thêm móc, lò xo, ốc nới rộng hoặc những hình dạng và vị trí cung môi khác nhau… để nới rộng hàm hoặc di chuyển các răng.

Hình 1: Khí cụ activator

2. Tấm chặn môi hoặc những khí cụ tương tự

Tấm chặn mỗi đơn thuần thường không được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, tấm chặn môi thường được kết hợp trong nhiều loại khí cụ chức năng khác nhau. Khí cụ nằm khít sát vùng hành lang miệng, có thể sử dụng lực trực tiếp của cơ môi tác động làm di chuyển răng. Tấm chặn mỗi đơn thuần chỉ mang được ít thời gian vì cản trở các hoạt động chức năng khác của miệng. Tuy nhiên, tấm chặn môi kết hợp trong các loại khí cụ chức năng khác có thể mang được nhiều thời gian hơn ngoại trừ lúc ăn nhai.

3. Khí cụ Frankel

Khí cụ Frankel thực tế là sự kết hợp của khí cụ activator và tấm chặn môi. Khí cụ sử dụng lực cơ nhai để tạo lực lên răng – xương và có tấm chặn môi má để giảm lực cơ quanh miệng.

Khí cụ Frankel I để điều trị sai khớp cắn hạng I và sai khớp cắn hạng II chi 1, Frankel II để điều trị sai khớp cắn hạng II chi 1 và chi 2, Frankel III để điều trị sai khớp cắn hạng III và Frankel IV điều trị cắn hở và hô hai hàm.

Nhiều tác giả đã giới thiệu nhiều dạng khí cụ chức năng khác nhau. Propulsor (Hotz , 1974) là sự kết hợp activator và một phần tấm chặn môi, thường không có thêm thành phần dây kim loại nào. Kinetor (Stockfisch, 1971) là một khí cụ activator kết hợp thêm tấm cản má bằng dây kim loại, có thể thêm vào ốc nới rộng và các lò xo tạo lực di chuyển răng. Tương tự, khí cụ Bimler (Bimler, 1949) là khí cụ activator mà thành phần chủ yếu bằng dây kim loại, với tấm cản môi má và có thể kết hợp ốc nới rộng để nới rộng cung răng. Bionator (Balter, 1950) là khí cụ activator mà thành phần chủ yếu làm bằng dây cung kim loại, với tấm cản má (buccal screen) bằng dây kim loại và nền nhựa để định vị tư thế hàm dưới. Harvord activator (Harvord và Vagervik, 1971; Reed và Hathorn, 1978) tương tự activator nhưng thiết kế với tư thế hàm dưới mở nhiều hơn tư thế nghỉ để làm tăng lực căng của cơ và mô mềm quanh miệng và mặt, và bỏ đi những thành phần giữa khớp cắn để cho phép sự phát triển của xương ổ răng giữa hai hàm.

B. Một Số Khí Cụ Tháo Lắp Chức Năng

1. Tấm chặn môi (oral screen)

Neuwell giới thiệu tấm chặn môi vào năm 1912 và được sử dụng rộng rãi ở Anh trước thế chiến thứ hai. Nhiều tác giả khác cũng sử dụng tấm chặn môi như Korbitz, Nord, Hotz, Kraus, Fingeroth.

Tấm chặn mỗi là khí cụ đơn giản được sử dụng điều trị sớm những lệch lạc cung răng do bất thường chức năng cơ. Đây là khí cụ chức năng không có thành phần tác động lực. Lực tác động lên răng được tạo ra nhờ lực cơ và mô mềm vùng má và môi.

Tấm chặn môi được sử dụng để điều trị những bất thường do (1) mút tay, cắn môi và đẩy lưỡi; (2) thở miệng do tư thế môi không khép kín và không có cản trở đường hô hấp; (3) hỗ răng trên và cắn hở trong thời kỳ răng sữa hoặc răng hỗn hợp và (4) thiểu năng cơ vùng miệng.

Lực của cơ mỗi tác động lên răng qua tấm chặn môi. Thường tấm chặn mỗi chạm răng trước cần tác động lực và không chạm vào răng và niêm mạc xương Ổ răng vùng phía sau hai bên. Tấm chặn môi hở 2-3mm vùng phía răng sau cản lực má ép vào cung răng giúp cung răng hàm trên có thể nới rộng trong trường hợp cung răng hẹp. Tùy theo lệch lạc cung răng và lực tác động, phác họa tấm chặn môi sao cho răng hoặc xương ổ cần tác động lực hoặc hạn chế lực tác động từ hệ thống cơ.

Tấm chặn môi giúp cải thiện vị trí răng và tương quan khớp cắn, huấn luyện cơ môi để cải thiện tư thế và chức năng môi, có thể cải thiện mô vùng miệng hầu do ngăn cản được chứng thở miệng.

Nếu răng cửa trên nghiêng ra trước và hở kẽ, độ cắn chìa tăng, sử dụng tấm chặn môi chỉ chạm các răng cửa nghiêng trước mà không chạm lên các răng trong. Như vậy, toàn bộ áp lực của môi và má truyền qua tấm chặn môi tập trung tác động lên các răng cửa nghiêng ra trước tại vùng bờ cắn. Trong trường hợp răng cửa dưới chạm răng cửa trên ở cắn khít trung tâm, răng cửa dưới sẽ ngăn cản răng cửa trên di chuyển vào trong khi mang khí cụ, áp lực từ tấm chặn môi có thể gây tiêu xương hoặc tiêu chân răng cửa trên.

Nếu răng cửa trên và dưới cắn hở nhau ở cắn khớp trung tâm, áp lực từ tấm chặn mỗi giúp đẩy vào trong các răng cửa trên bị nhô ra ngoài. Trong trường hợp độ cắn chìa tăng và môi dưới khó có thể đưa đến răng trên, thiết kế độ cong tấm chặn môi về phía răng cửa dưới phải đủ để môi dưới có thể dễ dàng trượt lên trên và ra ngoài tấm chặn môi. Trong trường hợp này, nếu tấm chặn môi bị uốn cong dưới răng cửa trên, môi dưới sẽ khó phủ ra phía ngoài trước tấm chặn môi. Lúc này lực ở môi dưới có thể làm bật tấm chặn môi khỏi miệng hoặc đẩy răng cửa trên ra khỏi sự kiểm soát của môi trên.

Tấm chặn môi có thể bán sẵn nhiều kích cỡ khác nhau hoặc làm riêng biệt cho từng bệnh nhân.

Hình 2: Tấm chặn môi

2. Khí cụ chặn lưỡi (tongue thrust appliance)

Một số bệnh nhân thường có thói quen đẩy lưỡi ra trước khi nuốt. Đây có thể là thói quen còn tồn tại từ kiểu nuốt nhũ nhi. Tuy nhiên nếu các răng hai hàm không gài khớp chặt với nhau, trẻ có thể sẽ có khuynh hướng nuốt chèn lưỡi vào khoảng trống giữa hai hàm để tạo áp lực âm trong khoang miệng khi nuốt. Thói quen nuốt đẩy lưỡi có thể là nguyên nhân nhưng cũng có thể là hậu quả của các sai hình răng miệng như hỗ răng và thưa kế các răng hàm trên và, hoặc hàm dưới, sai khớp cắn hạng III do răng…

Khí cụ điều trị thói quen đẩy lưỡi có thể là những khí cụ có hàng rào chặn lưỡi tháo lắp hoặc cố định. Tuy nhiên điều lưu ý là cần giải thích để bệnh nhân hiểu rõ hậu quả của tật đẩy lưỡi. Vấn đề không phải là dùng khí cụ để ngăn chặn đẩy lưỡi mà cần phải huấn luyện để bệnh nhân hiểu và tập luyện để lưỡi đặt đúng vị trí khi nuốt cũng như tư thế nghỉ thích hợp của lưỡi trong xoang miệng.

Hình 3: Hàng rào chặn lưỡi cố định

Khí cụ huấn luyện tập vị trí đặt lưỡi: khí cụ Hawley hoặc khí cụ activator có khoét lỗ trống trên nền nhựa vùng khẩu cái, khí cụ bluegrass…

Hình4: Hàng rào chặn lưỡi tháo lắp, có thể đặt thêm móc Adams hoặc móc bi ở vùng răng sau để tăng lưu giữ cho khí cụ.

3. Lip bumper

Lip bumper là một khí cụ chỉnh hình răng mặt sử dụng lực chức năng. Khí cụ này giúp:

– Thay đổi thăng bằng giữa hai nhóm cơ: cơ mỗi má bên ngoài miệng và cơ lưỡi bên trong miệng.

– Truyền lực từ cơ vòng môi đến răng cối để tác động lực trên răng cối.

Như vậy, lip bumper có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau:

– Di xa răng cối nhờ tác động lực từ cơ vòng môi.

– Điều trị các thói quen: cắn môi, mút môi…

– Tạo khoảng.

Khí cụ gồm có hai thành phần: thành phần cố định và thành phần tháo lắp.

Thành phần cố định gồm hai khâu được gắn bằng cement trên răng cối lớn thứ nhất hoặc thứ hai. Mặt ngoài của khâu được hàn với ống tròn đường kính 0.045 ”.

Thành phần tháo lắp là cung môi được bẻ bằng dây thép không rỉ đường kính 0.045 ” theo hình dạng mặt ngoài cung răng đi từ răng cối bên phải qua bên trái. Cung môi thường có hai cung bù trừ trước răng cối và có thể có thêm hai cung bù trừ ở vùng răng nanh. Phần cung môi ở vùng răng trước có thể luồn trong ống má bằng nhựa hoặc được bao phủ bằng nhựa. Phần tận cùng cung môi được gắn vào hai ống mặt ngoài khâu răng cối. Phần tận cùng này không được dài quá ống răng cối nếu không sẽ chạm vào niêm mạc phía sau răng cối hoặc gây khó chịu cho bệnh nhân.

Khí cụ có thể được làm cho từng bệnh nhân hoặc được bán sẵn trên thị trường với nhiều kích cỡ khác nhau. Có thể chọn kích cỡ thích hợp dựa trên mẫu hàm bệnh nhân.

Mục đích của khí cụ là cản lực môi má lên vùng răng – xương ổ răng nhờ tấm chặn môi.

Hình 5: Khí cụ lip bumper (A) được bao phủ bằng nhựa, (B) Phần đầu khí cụ đặt ở ống má (C) Khí cụ lip bumper có ống nhựa bao phủ.

Theo chiều ngang

Tấm chặn mỗi cách vùng răng nanh dưới khoảng 2mm và vùng răng cối nhỏ khoảng 3-4mm.

Theo chiều trước sau

Tấm chặn môi cách mặt ngoài vùng răng cửa không quá 1-1,5mm. Nếu khí cụ cách mặt ngoài nhiều quá, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu và khó kiểm soát di chuyển vùng răng cửa.

Theo chiều đứng

Vùng bên, cung môi nằm ở vị trí khoảng 1/3 giữa thân răng nanh, răng cối nhỏ. Trong trường hợp cần kiểm soát lực theo chiều đứng, tấm chặn môi có thể thấp hơn về phía đáy hành lang. Khi hoạt động chức năng, má sẽ phủ vượt lên tấm chặn môi tạo lực lún trên răng cối.

Ở vùng răng trước, tùy theo độ cắn phủ, tấm chặn môi có thể ở 3 vị trí khác nhau theo thân răng cửa:

Ngang mức bờ cắn răng cửa: Dây ường đặt ở vị trí này trong giai đoạn đầu. Môi dưới có khuynh hướng đẩy phần trước của khí cụ lên. Như vậy, sẽ tạo lực dựng trục răng cối.

Ngang mức giữa thân răng cửa : Đây là vị trí thông thường nhất, sẽ ngăn cản môi tác dụng lực vào vùng răng cửa. Như vậy, còn lại lực lưỡi bên trong sẽ đẩy răng cửa dần dần về phía trước.

Hình 6: Lip bumper ngang mức giữa thân răng cửa.

Ngang mức nướu: Tấm chặn môi được đặt thấp về phía đáy hành lang. Như vậy, ở vùng răng trước thăng bằng lực cơ không bị thay đổi. Môi dưới vẫn chạm răng cửa. Vùng răng – xương ổ răng phía trước không bị tác động của tấm chặn môi.

Thường khí cụ không tạo lực trên răng cối, đặc biệt là lực nới rộng hoặc thu hẹp cung răng. Khí cụ được gắn thụ động trong miệng bệnh nhân. Trước tiên thử gắn một đầu vào ống trên khâu răng cối và đầu kia được điều chỉnh sao cho khí cụ được gắn hoàn toàn không có lực trên răng cối bên đối diện. Thử ngược lại bên phía đối diện. Khí cụ phải được gắn và tháo dễ dàng bởi bác sĩ và bệnh nhân.

4. Bionator

Vào thập niên 1950, Balters đã giới thiệu về khí cụ bionator. Mặc dù về lý thuyết khí cụ bionator cũng dựa vào nền tảng của Robin, Andressen, Haupl, tuy nhiên về mặt lý luận khí cụ này khác với khí cụ activator.

Theo Balters, hình dạng cung răng và sự gài khớp của hai cung răng trên dưới là do sự thăng bằng của cơ lưỡi bên trong và cơ môi má bên ngoài xoang miệng. Khoảng chức năng của lưỡi là yếu tố cơ bản đối với sự phát triển bình thường của hệ thống hàm mặt. Theo Balters, lưỡi là tâm của hoạt động phản xạ của xoang miệng, là yếu tố quan trọng nhất cần quan tâm trong điều trị. Mục đích của khí cụ là giúp thiết lập chức năng hài hòa giữa các hệ thống cơ, hạn chế những biến dạng do các bất hài hòa chức năng gây ra, như vậy sẽ giúp sự tăng trưởng bình thường của hệ thống hàm mặt. Balters cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng vị trí của lưỡi trong kế hoạch điều trị vì vị trí của lưỡi liên quan đến nhiều sai lệch khớp cắn khác nhau. Ví dụ, vị trí đưa trước của lưỡi có thể gây sai khớp cắn hạng III, trong khi vị trí lui sau có thể liên quan sai khớp cắn hạng II. Hẹp cung răng trên gây chen chúc răng có thể do áp lực của lưỡi ở hai bên giảm, trong khi tăng áp lực quá mức của cơ má bên ngoài. Cắn hở có thể do lưỡi hoạt động quá mức và đưa về trước… Balters nhấn mạnh vai trò quan trọng chủ yếu của lưỡi vì vậy thiết kế khí cụ giúp tạo tư thế của lưỡi thích hợp. Khi mang khí cụ, hàm dưới ở tư thế đưa trước, răng cửa ở vị trí đối đầu. Khi hàm dưới ở tư thế đưa trước, thể tích xoang miệng tăng, lưng lưỡi sẽ tiếp xúc với niêm mạc khẩu cái mềm, môi có thể khép kín. Khí cụ giúp cho bệnh nhân có thể có dạng chức năng bình thường.

Nguyên tắc điều trị của khí cụ bionator không phải là kích thích hoạt động cơ mà giúp điều hòa hoạt động cơ, giúp cho sự phát triển bình thường, hạn chế những yếu tố môi trường bất thường gây sai lệch.

Khí cụ bionator ít cồng kềnh hơn khí cụ activator do đó bệnh nhân có thể mang nhiều thời gian hơn. Phần nhựa ở hàm dưới hẹp, phần nhựa ở hàm trên chỉ có phần nhỏ ở hai bên, còn lại là thanh ngang khẩu cái. Phần khẩu cái không có nhựa bao phủ giúp lưỡi có thể hoạt động dễ dàng hơn và có thể tiếp xúc với vùng niêm mạc khẩu cái. Khí cụ còn có hai phần cung má phía ngoài ngăn cản hoạt động bất thường của cơ má vào cung rằng.

Hình 7: Khí cụ bionator

Theo chiều ngang, vị trí của răng bị ảnh hưởng của lực cơ má bên ngoài và lực lưỡi bên trong. Theo chiều đứng, lực nhai ảnh hưởng lên vị trí răng.

Ưu điểm: Ít cồng kềnh, tạo vị trí thích hợp cho hoạt động lưỡi.

Khuyết điểm: khó điều chỉnh khí cụ, khí cụ cần phải thật ổn định trong miệng khi mài chỉnh.

Tùy theo các dạng sai hình khớp cắn có thể có nhiều dạng bionator khác nhau như bionator cơ bản, bionator điều trị cắn hở và bionator hang III…

5. Twin block

Khí cụ Twin block do William Clark mô tả là sự kết hợp khí cụ hàm trên và hàm dưới để đạt hiệu quả điều trị mong muốn. Trong khí cụ twin block các chi tiết cần lưu ý là mặt phẳng hướng dẫn khớp cắn, việc mài chọn lọc, hướng dẫn mọc răng và ốc nới rộng đặt ở đường giữa khẩu cái cho phép kiểm soát 3 chiều trong không gian.

Vì khí cụ gồm hai hàm tách rời nhau nên bệnh nhân có thể mang cả ban ngày lẫn ban đêm. Quan điểm của Clark là phải đạt được chiều rộng trung bình của cung răng hàm trên trong giai đoạn điều trị. Trong khí cụ twin block, ốc nới rộng thường gắn vào khí cụ hàm trên. Răng cối hàm dưới không phủ nhựa nên có thể trồi giúp giảm nhẹ những trường hợp cắn sâu. Răng cối trồi theo chiều đứng và ra trước giúp giải quyết trường hợp sai khớp cắn hạng II. Trường hợp cắn hở, răng cối phải được phủ nhựa để ngăn trồi răng cối và giúp đóng hàm theo chiều lên trên và ra trước.

Hình 8: Một dạng khác của khí cụ Twin block (A) nhìn từ mặt bên và (B, C) nhìn từ mặt nhai

6. Frankel

Frankel mô tả gồm 4 dạng khí cụ khác nhau. Khí cụ FRI để điều trị sai khớp cắn hạng I và hạng II chi 1; FRII điều trị sai khớp cắn hạng II chi 1 và chi 2; FRIII điều trị sai khớp cắn hạng III và FRIV điều trị cắn hở và hô hai hàm. Khí cụ FRI được chia làm 3 nhóm nhỏ la, Ib và Ic. Nhóm la được sử dụng điều trị sai khớp cắn hạng I: chen chúc nhẹ, cắn sâu, cắn chìa răng trên, răng dưới nghiêng vào trong, độ cắn chìa không quá 5mm. Nhóm Ib và lc được chỉ định cho sai khớp hạng II chi 1 với độ cắn chìa không quá 7mm và trên 7mm.

FR I gồm thanh ngang khẩu cái, cung lưỡi và cung mỗi hàm trên, bên ngoài có hai tấm cản má hai bên. Tấm cản má sát với hành lang má và chức năng là cản lực má và môi ép vào cung răng. Trong điều trị hạng II, khí cụ được thiết kế với tư thế hàm dưới đưa trước, tấm cản mỗi ở hàm dưới. Trong điều trị hạng III, khí cụ được thiết kế với tư thế hàm dưới đưa lùi, tấm cản mỗi ở hàm trên.

Khí cụ Frankel trông có vẻ phức tạp vì nhìn rất cồng kềnh. Khi thiết kế và thực hiện khí cụ đòi hỏi mức độ chính xác rất cao đối với từng chi tiết. Cần thời gian làm quen với khí cụ và khi đã làm quen, khí cụ chỉ cần điều chỉnh rất ít.

Thành phần khí cụ thường bao gồm cung môi, loop trên răng nanh, tấm cản má (buccal shield) và tấm cản môi (lip pad).

Hình 9: Khí cụ Frankel

7. Bimler

Khí cụ Bimler cũng là một dạng khí cụ chức năng.

Hình 10: Khí cụ Bimler

8. Kinetor

Khí cụ Kinetor lần đầu tiền được mô tả bởi Hugo Stockfisch.

Hình 11. Khí cụ Kinetor

9. Khí cụ chức năng làm sẵn

Các dạng khí cụ chức năng làm sẵn như khí cụ Trainer, khí cụ EF…

C. Kết Luận

Khí cụ chức năng là khí cụ có những hiệu quả trong điều trị chỉnh hình răng mặt ở một số trường hợp nhất định. Khí cụ có hiệu quả tốt nhất trong giai đoạn răng hỗn hợp và trong giai đoạn trẻ còn đang tăng trưởng. Cơ chế tác động của khí cụ là sử dụng lực cơ nhai và lực của cơ quanh vùng miệng và mặt để:

– Tạo lực di chuyển răng và giúp tăng trưởng xương ổ răng nhờ giảm lực cơ tác động lên cung răng.

– Tạo sự thay đổi của một phần xương nền nhờ sự thay đổi tăng trưởng của xương hàm trên hoặc xương hàm dưới.

Khí cụ chức năng kết hợp hai nguyên tắc chính:

Nguyên tắc của khí cụ activator về thay đổi tư thế của hàm dưới: tác động lực liên hàm lên răng và hai xương hàm thông qua lực cơ nhai và cơ mặt.

Nguyên tắc cản lực giúp cung răng phát triển thuận lợi: giảm lực cơ quanh miệng – má lên cung răng.

Mặc dầu khí cụ chức năng có thể giúp sự di chuyển răng và thay đổi tăng trưởng theo hướng thuận lợi, nhưng điều này không có nghĩa là khí cụ chức năng có thể tạo ra sự tăng trưởng nhiều hơn mức bình thường.

Trả lời